TP.HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD

TP.HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD

Trong danh sách dự án kêu gọi đầu tư, có nhiều dự án thuộc hạng mục dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất gồm 197 dự án với tổng vốn đầu tư 943.937 tỷ đồng, tương đương 42,897 tỷ USD.

TP.HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD
TP.HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án gần 43 tỷ USD

Trong đó có nhiều dự án thuộc hạng mục dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư, gồm:

Khu đô thị Hiệp Phước tại huyện Nhà bè với diện tích 1.354ha. Mục tiêu dự án đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, góp phần sắp xếp lại, xây dựng mới và phát triển hệ thống cảng biển TP.HCM phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; Xây dựng khu đô thị gắn với cảng biển, phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng, kết nối với toàn thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP.HCM ra biển.

Khu phức hợp trung tâm thương mại, dân cư, công viên phía Bắc đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8 với diện tích 14,7ha. Tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Dự án khu phức hợp 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, với diện tích 22,78ha bao gồm căn hộ, thương mại – dịch vụ và các hoạt động dịch vụ khác. Tổng mức đầu tư 16.382 tỷ đồng.

Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ (khu 701/2 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6) với tổng mức đầu tư 359 tỷ đồng.

Khu nhà ở thương mại dịch vụ gồm 7 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 (lô 4-3, 4-4,4-5,4-12,4-13,4-14,4-17) tại Thành phố Thủ Đức với diện tích 61.218m2.

Dự án khu trung tâm thương mại và dân cư khu vực phía Tây thành phố tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích 239,9ha.

Dự án xây dựng nhà ở Điện lực Bình Chánh tại huyện Bình Chánh với diện tích 18,79ha gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm dân cư Tân Tạo – khu B, phường tân tạo A, Bình Tân với diện tích 145,68ha.

Xây dựng khu dân cư đô thị mới, dịch vụ thương mại, kết hợp du lịch giải trí – khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn với diện tích 290,18ha.

UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM năm 2022 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Hạ tầng tỷ USD tạo đòn bẩy cho bất động sản Nam Sài Gòn

Hạ tầng tỷ USD tạo đòn bẩy cho bất động sản Nam Sài Gòn

Chuỗi dự án nâng cao hạ tầng và việc hoàn thiện tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông tại khu vực Nam TP HCM, hứa hẹn tạo thay đổi lớn cho diện mạo khu vực.

Quận 7 đang dần được định vị thành một khu vực tập trung về tài chính – thương mại của TP HCM, bên cạnh quận 1. Với vị trí chiến lược, là cửa ngõ giao thông quan trọng, có khu chế xuất lớn và cảng hàng hóa hoạt động hiệu quả, quận 7 đang phát triển mạnh sau hơn 25 năm thành lập.

Hạ tầng tỷ USD tạo đòn bẩy cho bất động sản Nam Sài Gòn
Hạ tầng tỷ USD tạo đòn bẩy cho bất động sản Nam Sài Gòn

Sự phát triển nhanh chóng khiến mật độ dân số của khu Nam tăng cao. Giao thông ở khu vực quá tải, trong đó nhiều tuyến đường kết nối khu Nam với trung tâm thành phố như Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Tấn Phát thường xuyên xảy ra hiện tượng tắc nghẽn.

Trung tâm tài chính quốc tế ven sông dần thành hình

Trong bối cảnh đó, để hiện thực hóa tầm nhìn đưa TP HCM thành đô thị thông minh trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, hạ tầng đô thị Nam Sài Gòn nói chung và quận 7 nói riêng sẽ có nhiều thay đổi trọng yếu nhằm giải tỏa các nút thắt về giao thông.

Đơn cử, cầu Bến Nghé (cầu Thủ Thiêm 4) – dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư đến 5.300 tỷ đồng dự kiến được khởi công giai đoạn 2022-2023. Cây cầu sẽ là mối nối giữa hai khu trung tâm tài chính quốc tế dẫn đầu cả nước là Thủ Thiêm và Nam Sài Gòn. Khi cầu hoàn thành, thời gian di chuyển từ khu đô thị quận 7 và trung tâm Thủ Thiêm sẽ được rút ngắn.

Cũng trong giai đoạn 2022-2025, cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 3,9 km cũng sẽ được đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng, thay thế phà Bình Khánh, tăng tính kết nối giữa khu lõi trung tâm khu Nam TP HCM với các điểm du lịch biển, sinh thái, đồng thời mở thêm một cung đường mới cho nhóm xe trọng tải nặng tiếp cận khu vực cảng biển.

Ngoài ra, giao thông quận 7 sẽ tiếp tục được cải thiện khi hoạt động nâng cấp nhiều tuyến đường trục đang được triển khai. Gần nhất, trong quý II năm nay, dự án nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Văn Linh từ 6 lên 10 làn xe sẽ hoàn thành. Tại cửa ngõ quận 7, sau gần hai năm khởi công, hầm chui tại giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ hoàn thiện hơn 60% khối lượng công việc, dự kiến nhánh hầm đầu tiên sẽ đưa vào vận hành cuối năm nay.

Nhịp cầu mở đà tăng giá

Đánh giá về chiến lược “nối cầu, mở đường” này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP HCM cho hay, hàng loạt hoạt động hạ tầng được đẩy mạnh minh chứng cho việc quận 7 cũng như khu Nam Sài Gòn chuẩn bị bước sang chu kỳ phát triển thứ hai.

Theo đó, chu kỳ thứ nhất bắt đầu năm 1992 khi vùng đất Nam Sài Gòn được chọn để đặt khu đô thị kiểu mẫu hàng đầu Việt Nam. Chu kỳ phát triển thứ hai khi thành phố chuyển trục phát triển hướng ra biển Đông, quận 7 nói chung và Nam Sài Gòn được dự báo sẽ trở thành khu đô thị mang màu sắc của trung tâm tài chính quốc tế ven sông – hỗn hợp đa chức năng gồm thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, giáo dục, giải trí và nghỉ dưỡng, tương tự như hình mẫu thành công trên thế giới Manhattan (Mỹ), Zurich (Thụy Sĩ), Yeoui-dong (Hàn Quốc)…

“Nơi nào được quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế, đồng nghĩa với bất động sản cũng hưởng lợi”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo công cụ định giá bất động sản của Propzy, tính từ năm 2018-2019, thời điểm các dự án hạ tầng được khởi công, giá mỗi m2 đất tại đường Huỳnh Tấn Phát đã tăng từ 55 triệu đồng một m2 lên mốc 80 triệu đồng một m2, tức mức tăng mỗi năm đến 20%.

Giá đất khu vực vành đai rục rịch “nổi sóng”, đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên

Giá đất khu vực vành đai rục rịch "nổi sóng", đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên

Mới phong thanh nghe tin Quốc hội thảo luận các dự án đường vành đai, giá đất khu vực này đã “dậy sóng”. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy hoạch khu vực hai tuyến đường vành đai để thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, không lãng phí…

Giá đất khu vực vành đai rục rịch "nổi sóng", đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên
Giá đất khu vực vành đai rục rịch “nổi sóng”, đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

KHÔNG CHỈ LÀ HÀNH LANG GIAO THÔNG, MÀ LÀ HÀNH LANG KINH TẾ

Tiếp thu các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung về giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc tăng công suất là khai thác các vật liệu thi công…, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ý kiến này sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.

Làm rõ về tính cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Mặt khác, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội coi là hạ tầng là một trong ba chiến lược đột phá để phát triển.

Trong thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, các ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận.

Theo đó phải đảm bảo được tính kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến các vành đai trở thành một động lực cho phát triển.

“Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước – nhà đầu tư – người dân đảm bảo hài hòa lợi ích”.

“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.”

Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân.

Đồng thời, “chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần phải có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để mà không có sự tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội nêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Về quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, đối với Vành đai 4 vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1.

Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng làm rõ, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.

Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng.

Vành đai 4 vùng Thủ đô thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó chuyển sang đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch.

KHÔNG LÃNG PHÍ QUỸ ĐẤT HAI BÊN

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, do đó, những tuyến đường này được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020. Tuy nhiên, do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét.

Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.

“Khi các tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe nói Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần.

Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí.

Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

“Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát”, Đại biểu đoàn TP. Hà Nội gợi ý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai, hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc

Phát biểu tranh luậntại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch các Ủy ban tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, điều này không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chưa chắc Chủ tịch các UBND tỉnh thành mặn mà, do đó, sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề để hiểu tình trạng hiện nay và thúc đẩy, cải thiện quá trình này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quy đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”, đại biểu nêu rõ.

Cung không đủ cầu, thị trường bất động sản căn hộ giá tăng vọt

Cung không đủ cầu, thị trường bất động sản căn hộ giá tăng vọt

Giá thị trường bất sản căn hộ đang tăng cao trong bối cảnh nguồn cung chưa thích ứng kịp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ số lượng người tìm thuê tăng vọt

Cung không đủ cầu, thị trường bất động sản căn hộ giá tăng vọt
Cung không đủ cầu, thị trường bất động sản căn hộ giá tăng vọt

Các tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản Tp.HCM đã sôi động trở lại nhờ vào chính sách mở cửa thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, đạt 15.000 doanh nghiệp chỉ trong tháng 4. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động kinh tế đang sống động trở lại. Nhu cầu chỗ ở của người dân vì thế cũng tăng cao.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thống kê từ các văn phòng môi giới nhà đất cho thấy số lượng người hỏi thuê nhà/phòng tại các khu chung cư đã tăng vọt, đặc biệt tại Tp.HCM. Với nhu cầu tăng cao, các hợp đồng thuê nhà trước đó (có thời hạn thông thường 1 năm) đều được ký với mức giá tăng tới 10% hoặc hơn.

Ông Đinh Minh Tuấn, CEO batdongsan.com.vn cho biết trong quý I/2022, mức độ quan tâm tới căn hộ cho thuê tại Tp.HCM tăng vọt (so với cùng kỳ 2021). Nguyên nhân là vì nhiều khách hàng có nhu cầu mua hoặc thuê chỗ ở. Bên cạnh đó, lượng khách chuyên gia quốc tế trở lại làm việc cũng làm gia tăng nhu cầu thị trường vào phân khúc này.

Tuy nhiên, trong khi lượng cầu lớn thì nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM lại giảm mạnh. Ước tính, các tháng vừa qua, nguồn cung căn hộ mới ước đạt gần 2.200 căn, giảm hơn 60% so với cùng kỳ 2021.

Được biết, nguồn cung mới tại Tp.HCM trong quý vừa qua chủ yếu đến từ 4 dự án Vinhomes Grand Park (Beverly The Resort) – Tp.Thủ Đức, Akari City Phase 2 – quận Bình Tân, Masteri Centre Point – Tp.Thủ Đức, Picity High Park – quận 12. Các dự án mới đều thuộc phân khúc trung cấp và có mức giá bán trung bình 2.500 USD/m2 (tương đương 57,1 triệu đồng).

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 – 7%. Sang quý I/2022, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng khoảng 3% so với cuối năm 2021.

Đại diện VARS cho biết, đơn vị nhận thấy thị trường bất động sản căn hộ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân. Đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay.

“Phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Tp.HCM đều nằm ở các quận/ huyện cách xa trung tâm, nơi quỹ đất vẫn dồi dào. Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai” – VARS dự báo.

Thiết lập giá mặt bằng mới

Theo Tạp chí Tài chính , giống như Tp.HCM, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội Hà Nội ở các phân khúc và vị trí đều thiết lập mặt bằng giá mới. Theo báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, giá chung cư ở Thủ đô đã tăng từ 5% – 8% so với giá bán trung bình năm 2021.

Nếu như cách đây 2 năm, căn hộ khu vực trung tâm Cầu Giấy, Thanh Xuân.. được chào bán ở khoảng 30 – 40 triệu/m2 thì đến nay mặt bằng giá đã tăng lên tới 45 – 60 triệu/m2.

Đáng chú ý, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh… là những khu vực còn nhiều quỹ đất hơn nhưng cũng đang có xu hướng tăng giá nhà ở lên mức tiệm cận với vùng trung tâm. Cụ thể, giá căn hộ trước đây từ 18 – 20 triệu/m2 thì nay đã đạt mức trên 30 triệu/m2.

Theo khảo sát tại một số dự án, chung cư The Nine (số 9 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy) đã được điều chỉnh tăng giá 2 lần kể từ đầu năm, mức chênh lệch so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán là 5 – 6%. Tương tự, dự án chung cư mới bàn giao The Park Home (Thành Thái, Cầu Giấy) cũng tăng giá khoảng 5%.

Tại Long Biên, căn hộ Phương Đông Green Home ghi nhận mức tăng 2% ngay trong quý đầu năm 2022, giá bán hiện tại từ 33 triệu đồng/m2. Ngay gần đó, dự án Rose Town (Ngọc Hồi, Hoàng Mai) từng được chủ đầu tư chào bán từ 1,8 – 2,4 tỷ/căn thì nay đã tăng lên mức 2,2 – 3,2 tỷ đồng/căn.

Ở khu vực quận Hà Đông, thị trường thứ cấp “tăng nhiệt” đáng kể khi nhiều căn hộ chuyển nhượng tại Dương Nội, La Khê, Vạn Phúc tăng giá tới vài trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Mặt bằng giá tại khu vực này đã đạt trung bình 33 triệu/m2.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, nổi bật là các chính sách siết chặt thủ tục pháp lý, tín dụng ngân hàng và quỹ đất ngày một cạn kiệt. Ngoài ra, chi phí đầu vào tại các dự án cũng bị “đội” cao do biến động từ giá đất, giá vật liệu xây dựng và chi phí nhân công, từ đó tạo áp lực đẩy tăng giá chung cư.

Dự báo trong khoảng thời gian tới đây, phân khúc căn hộ trong khoảng tài chính từ 2 tỷ đồng sẽ gần như “biến mất” trên thị trường. Trong khi nhu cầu tìm kiếm nhà ở thực vẫn luôn rất lớn, phân khúc căn hộ giá dưới 30 triệu lại ngày càng hạn chế hơn khiến tệp khách hàng này sẽ “mỏi mắt” tìm kiếm. Bởi vậy, các khách hàng tìm nhà ở tại các phân khúc trung cấp và bình dân nên có những quyết định kịp thời.

Bài toán tài chính thách thức doanh nghiệp

Vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng không hề “khóa, siết” tín dụng bất động sản, mà kiểm soát rủi ro trong hoạt động này.

Theo vị lãnh đạo, đối với bất động sản chỉ kiểm soát chặt với bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp. Còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích.

Tuy nhiên, sau sự kiện hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, nguồn vốn trái phiếu chảy vào bất động sản trở nên khó khăn. Trong tháng 4, thậm chí không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu huy động vốn.

Thông tin từ Dân việt nêu, số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế (Ngân hàng MSB) cho thấy năm 2022 sẽ có khoảng 231.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Với tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua (chiếm xung quanh một phần ba giá trị phát hành), việc đáo hạn trái phiếu sẽ là thách thức mới của các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, trong ba năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn cho các nhà phát triển bất động sản với lượng phát hành của ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Hiện tại, bên cạnh việc nắn dòng tín dụng bất động đi cho đúng hướng, việc kiểm soát mạnh trái phiếu doanh nghiệp nói chung và của lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng đang được chú ý.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, dòng vốn ngân hàng như mạch máu của thị trường bất động sản. Ngay sau khi có thông tin siết van tín dụng thị trường ngay lập tức bị ảnh hưởng. Cụ thể, hiện nay là nhiều khu vực thị trường đứng yên, không có giao dịch.

Theo ông Hậu, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp nhiều cho nền kinh tế và kéo theo sự liên quan của nhiều ngành nghề. Do đó, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino tiêu cực cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị nên có chính sách kiểm soát tốt với những dự án “có vấn đề”, ví dụ dự án đầu cơ, tích trữ, mua gom đất, thổi giá… Còn những dự án tốt nên được thúc đẩy, khuyến khích để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và vừa giúp thị trường có thêm nguồn cung tốt.

Giá bất động sản có thể hạ nhiệt vào giữa năm 2023

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản nhận định, giá bất động sản đang nằm ở trên đỉnh. Nếu so với thời 2009-2010, thị trường của hiện tại giống với giai đoạn trước ở hiện tượng giá cao nhưng độ nóng của thị trường lại khác nhau.

Ông Quang cho rằng, hiện tại, nhà đầu tư đã thông minh hơn. Họ không sẵn sàng mua hàng bất chấp tất cả hay giằng nhau mà mua. Họ thận trọng. Bài học từ trước đó khiến Nhà nước can thiệp từ từ thay vì như trước đây.

Trong khi đó, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro cho rằng, thị trường bất động sản của hiện tại không xảy ra bong bóng hay đóng băng như giai đoạn trước. Bởi thị trường đã minh bạch hơn rất nhiều, từ thông tin cho tới các sản phẩm. Các nhà đầu tư cũng đã thông thái hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Thành, các sản phẩm bất động sản ở giai đoạn này hiện hữu hơn, thể hiện thông qua pháp lý rõ ràng, hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt, giá bất động sản tăng không phải do sốt ảo, tâm lý đầu tư theo số đông như giai đoạn 2010. Giá bất động sản giai đoạn này tăng giá là tăng giá trị thật, do hạ tầng phát triển, và chất lượng dự án tốt.

Dù thị trường có biến động thì những sản phẩm dự án có giá trị thực vẫn thanh khoản tốt. Không như giai đoạn 2010-2011, đa số dự án bất động sản đang còn nằm trên giấy, chưa đầy đủ pháp lý đã được tung ra thị trường giao dịch. Khi ấy, khách hàng đang mua sản phẩm hình thành trong tương lai mà chưa có giá trị hiện hữu. Nên khi Nhà nước siết tín dụng, nhu cầu đầu tư bất động sản giảm mạnh. Những sản phẩm không có giá trị hiện hữu khó thanh khoản.

Còn ở giai đoạn hiện tại, nếu có biến động thì kịch bản xấu nhất là hiện tượng cắt lỗ. Nhưng lợi thế với sản phẩm hiện hữu và pháp lý rõ ràng thì tình trạng đóng băng có thể diễn ra cục bộ ở địa phương hoặc trên 1 số phân khúc mà chắc chắn sẽ không lan rộng toàn thị trường. Yếu tố tích cực khác chính là Nhà nước đang kiểm soát rất tốt về lãi suất và lạm phát.

Tuy nhiên, ông Thành dự báo, nếu giá bất động sản tăng và cao, đến giai đoạn nhất định, giá sẽ đi xuống. Mốc thời gian cho giá bất động sản hạ nhiệt có thể diễn ra vào giữa năm 2023.

Thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng mạnh tại khu vực phía Nam

Thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng mạnh tại khu vực phía Nam

Theo Sở TNMT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá đất thị trường trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đều tăng cao hơn từ 50 – 60% so với bảng giá đất tối đa của tỉnh. Chính vì vậy, trước việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn, dự kiến giá đất tại khu vực này sẽ được tăng mạnh từ năm 2022.

Thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng mạnh tại khu vực phía Nam
Thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng mạnh tại khu vực phía Nam

Thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu với tiềm năng tăng trưởng mạnh

Đầu tháng 11, sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có báo cáo việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 5 năm (2020-2024) áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2024. Việc điều chỉnh giá đất này căn cứ vào tình hình thực hiện Bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024) áp dụng trên địa bàn tỉnh, cũng như việc tổng hợp dữ liệu giá đất cụ thể các dự án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất các dự án giao đất, thuê đất và việc cập nhật bổ sung, đổi tên các tuyến đường mới hoàn thành trên địa bàn tỉnh trong năm 2020, năm 2021.

Chính vì thế, Sở TN-MT Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng cho rằng cần điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung cách xác định vị trí đất theo tuyến đường; điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường, đoạn đường, khu vực đã được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc điều chỉnh đổi tên tuyến đường, điểm đầu, điểm cuối tuyến đường, điều chỉnh cấp loại đường, tuyến đường.

Thông qua sự góp ý của các sở, ngành địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị Sở TN-MT bổ sung, hoàn thiện dự thảo Tờ trình về việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 5 năm (2020-2024) trên địa bàn tỉnh, trình Hội đồng thẩm định.

Được biết, theo Sở TNMT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá đất thị trường trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đều tăng cao hơn từ 50 – 60% so với bảng giá đất tối đa của tỉnh. Chính vì vậy, trước việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn, dự kiến giá đất tại khu vực này sẽ được tăng mạnh từ năm 2022. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá đất được dự báo sẽ giúp thị trường bất động sản của tỉnh có lợi thế cạnh tranh.

6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai

6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai

Nguồn cung mới trong các năm tới sẽ chủ yếu tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các đô thị vệ tinh. Thậm chí, một số nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã ra dự báo 6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai.

6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai
6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai

Thứ nhất, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhà ở trung bình và thấp, nhà ở công nhân tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường cùng với nhu cầu về không gian xanh, đa tiện ích, hạ tầng cơ sở đầy đủ. Mô hình dự án bất động sản xanh, bất động sản sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư, do vừa đáp ứng nhu cầu môi trường sống trong lành, vừa đáp ứng xu hướng đầu tư căn nhà thứ hai của người dân đô thị.
Thứ hai, phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt sau giai đoạn dịch bệnh và tác động từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không gian làm việc đa năng, có thể vừa làm việc, vừa hội họp.

Cụ thể, bất động sản bán lẻ sẽ chịu tác động từ xu hướng thay đổi sang phương thức bán hàng đa kênh, đa phương thức và linh hoạt hơn theo hướng tăng cường quản lý chuyên nghiệp. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quan tâm hơn đến yếu tố vệ sinh, an toàn sức khỏe, sử dụng đa năng, linh hoạt hơn, như vừa có thể ở, làm việc và nghỉ ngơi. Thị trường du lịch Việt Nam ngày càng rút ngắn khoảng cách với những thị trường du lịch nổi bật tại ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, phân khúc bất động sản logistics trong tương lai theo hướng phát triển các dự án gần nguồn sản xuất, đa dạng hóa nguồn đầu vào, tăng tính tiện nghi, linh hoạt và khả năng đáp ứng nhanh, ứng dụng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào cấu trúc vận hành của các trung tâm logistics.

Thứ tư, phân khúc bất động sản khu công nghiệp được dự báo tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Vì vậy, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư.

Thứ năm, nguồn cung mới trong các năm tới sẽ chủ yếu tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các đô thị vệ tinh. Thậm chí, một số nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.

VNREA cũng dự báo phân khúc bất động sản nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái, bất động sản năng lượng sẽ phát triển khi cơ chế, chính sách hoàn thiện cho loại hình bất động sản này.

Nguồn cung bất động sản tăng trưởng

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo, nhu cầu bất động sản giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dự báo này không chỉ căn cứ vào nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, xu hướng tăng cường đầu tư, thương mại, mà còn dựa trên nhu cầu thực tế của người dân.

Thứ nhất, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diện tích bình quân nhà ở đầu người cả nước đến năm 2025 phải đạt 27m2/người; đến năm 2030 phải đạt 30m2/người. Như vậy, trung bình mỗi năm phải xây dựng mới khoảng 60 triệu m2 nhà ở các loại. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030 dự báo tăng lên 6.000 – 6.500 USD (gấp đôi so với hiện nay) sẽ tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Thứ hai, tuổi thọ bình quân tiếp tục tăng lên, trong giai đoạn 2021 – 2030 đạt 75 tuổi (cao hơn bình quân hiện nay là 74 tuổi) theo Chiến lược phát triển dân số đến năm 2030.

Thứ ba, tuổi làm việc được tăng lên sẽ gia tăng quy mô lực lượng lao động, dẫn tới nhu cầu bất động sản văn phòng, khu công nghiệp cũng như bất động sản nói chung cũng tăng.

Thứ tư, tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ đô thị hóa cũng tăng khoảng 1%/năm tương ứng với 1 triệu dân đô thị gia tăng hàng năm. Đây là cơ sở quan trọng để gia tăng nhu cầu nhà ở cho người dân đô thị.

Tăng trưởng nhu cầu bất động sản không phát triển đồng đều

Một nhận định khác của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra, đó là tăng trưởng nhu cầu bất động sản sẽ không phát triển đồng đều với tất cả các thị trường và phân khúc bất động sản. Dự án bất động sản đảm bảo được các yếu tố tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh sẽ phát triển mạnh mẽ và là xu hướng nhu cầu xã hội trong tương lai.

Thị trường bất động sản cũng sẽ phải đối mặt với sự hạn chế tài nguyên đất đai ở khu vực trung tâm, sẽ dẫn tới quá trình đầu tư phát triển các dự án bất động sản được tập trung nhiều hơn tại khu vực ngoài trung tâm thành phố, các đô thị vệ tinh, các đô thị nằm trong vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM, Hà Nội, và bám theo các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, cầu cảng, đường cao tốc, các tuyến đường sắt đô thị. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến thị trường bất động sản và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện tăng nguồn cung bất động sản.

Đầu tư giao thông để đầu tàu kinh tế tăng trưởng

Đầu tư giao thông để đầu tàu kinh tế tăng trưởng

Để duy trì một đầu tàu kinh tế phát triển bền vững như TP Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng luôn phải được ưu tiên và đi trước một bước.

Dù là địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu (chiếm hơn 60%) nhưng cơ sở hạ tầng của TP Hồ Chí Minh vẫn bị đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Điều này đã gây cản trở sự kết nối vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai và cả đường Xuyên Á đi Tây Ninh, sang cả nước bạn Campuchia.

Đầu tư giao thông để đầu tàu kinh tế tăng trưởng
Đầu tư giao thông để đầu tàu kinh tế tăng trưởng

Trong nhiều dự án đang lên kế hoạch, Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ giúp cho việc kết nối, lưu thông xuyên suốt, tạo ra lợi thế xuất khẩu hơn cho các doanh nghiệp, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 không chỉ liên kết 4 địa phương mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng.

Không gian đường Vành đai 3 tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo nhiều chuyên gia, để tạo đà tăng trưởng kinh tế cho đầu tàu phía Nam, Vành đai 3 cần một cơ chế đặc thù khi thực hiện. Trong đó, cơ chế về nguồn vốn sẽ giúp cho giai đoạn đầu tiên của dự án, giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng được thuận lợi và thông suốt bởi giai đoạn này cần tập trung khá nhiều về vốn.

Chỉ một cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đi vào hoạt động, TP Hồ Chí Minh đã có những thời điểm tạo ra những bứt phá về kinh tế và giao thương với các tỉnh. Nhưng giờ đây cũng chính cao tốc đang khiến các nhà đầu tư đau đầu khi ngày càng quá tải.

Để duy trì một đầu tàu kinh tế phát triển bền vững như TP Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng luôn phải được ưu tiên và đi trước một bước. Trong vòng 5 – 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế.

Cập nhật phương án điều chỉnh bảng giá đất Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng, tăng, tăng

Cập nhật phương án điều chỉnh bảng giá đất Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng, tăng, tăng

Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì cuộc họp Tập thể UBND tỉnh để nghe Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 05 năm (01/01/2020-31/12/2024) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cập nhật phương án điều chỉnh bảng giá đất Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng, tăng, tăng
Cập nhật phương án điều chỉnh bảng giá đất Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng, tăng, tăng

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, căn cứ các quy định pháp luật, tình hình thực tế của địa phương và ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương; Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nội dung như sau:

Điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;

Điều chỉnh tăng giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

Điều chỉnh tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ;

Điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại Quy định kèm theo Quyết định số 38//2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tham dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường như nêu trên.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến, bồ sung, hoàn chỉnh dự thảo điều chỉnh Bảng gia đất các loại định kỳ 05 năm, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh.

Được biết tại cuộc họp về việc xây dựng, điều chỉnh Bảng giá các loại đất định kỳ 05 năm vào cuối tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất:

Điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;

Giữ nguyên mức giá đối với bảng giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

Điều chỉnh giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ;

Điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại Quy định kèm theo Quyết định 38 như: bổ sung, điều chỉnh cách xác định hệ số giá đất ở của các vị trí đất, sửa đổi các xác định vị trí đất trong một số trường hợp đặc thù, hủy bỏ khoản 12 Điều 9 Quy định…

Như vậy chỉ sau 1 tháng, giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã được “chốt” phương án tăng.

Tiềm năng sinh lời của bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương tăng 10% trong năm 2022

Tiềm năng sinh lời của bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương tăng 10% trong năm 2022

Theo dự báo của CBRE, các bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương có thể sinh lời từ 5-10% trong năm nay khi môi trường và tâm lý đầu tư đều thuận lợi hơn.

Theo CBRE, hoạt động đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương đã được đa dạng hóa một cách đáng kể trong vòng 15 năm qua. Trong giai đoạn 2006 – 2021, tổng số quỹ mở tham gia vào lĩnh vực này đã tăng từ 9 lên 33 và tổng số vốn tăng từ 8,9 tỷ USD lên 112 tỷ USD.

Tiềm năng sinh lời của bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương tăng 10% trong năm 2022
Tiềm năng sinh lời của bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương tăng 10% trong năm 2022

Việc thành lập các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITs) tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc Đại lục và Ấn Độ cũng đã giúp thị trường chung của khu vực trưởng thành và thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nếu chỉ tính riêng trong 5 năm từ 2017 đến 2021, lượng vốn tư nhân đổ vào bất động sản đạt mức cao kỷ lục, cả về số lượng quỹ và khối lượng vốn. Tổng số vốn đạt 104 tỷ USD, tăng 60% so với 63 tỷ USD của giai đoạn 5 năm trước đó.

CBRE cho rằng nhu cầu bán và thuê lại (leaseback) của các tổ chức sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, do lượng vốn đầu tư lớn đổ vào sẽ khiến nhiều chủ sở hữu cân nhắc lợi ích giữa việc sở hữu hay cho thuê. Các nhà đầu tư sẽ đưa ra mức giá hấp dẫn để mua lại tài sản, hoặc các điều khoản thuê lại phù hợp hơn để thúc đẩy các thương vụ thành công.

Tiềm năng sinh lời của các bất động sản cũng tăng lên trong năm nay, cả đối với các hợp đồng bán và thuê lại và bán để thoái vốn, đặc biệt trong lĩnh vưc công nghiệp, hậu cần và trung tâm dữ liệu. Nhiều chủ sở hữu bất động sản sẽ tận dụng được môi trường đầu tư lạc quan hơn và định giá tài sản tăng lên.

Về dài hạn, hoạt động bán và thuê lại còn sơ khai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ phát triển theo những xu hướng từng có tại Hoa Kỳ và khu vực Châuu, Trung Đông và Châu Phi. CBRE dự báo tiềm năng sinh lơi của các bất động sản của các doanh nghiệp đầu tư trong khu vực có thể tăng 5-10% vào năm 2022.

Bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, Đại học Harvard Mỹ dự đoán Việt Nam sẽ trở thành “con hổ châu Á thứ năm”

Bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, Đại học Harvard Mỹ dự đoán Việt Nam sẽ trở thành “con hổ châu Á thứ năm”

Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% được duy trì, Tạp chí Chính trị Harvard dự báo Việt Nam sẽ sánh ngang với 4 con hổ châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Chính trị Harvard (Harvardpolitics) vào tháng 5/2012, cây viết Jay Alver cho biết khi đến thăm Hà Nội, ông cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong thành phố.

Bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, Đại học Harvard Mỹ dự đoán Việt Nam sẽ trở thành “con hổ châu Á thứ năm”
Bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, Đại học Harvard Mỹ dự đoán Việt Nam sẽ trở thành “con hổ châu Á thứ năm”

Hơi bối rối, Jay Alver đã hỏi một hướng dẫn viên địa phương. Mỉm cười một chút, người hướng dẫn viên trả lời rằng mội trường thương mại ngày càng tự do ở Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Những thành công kinh tế của Việt Nam thật đáng kinh ngạc, theo Jay Alver. Theo tạp chí Foreign Policy, từ năm 1986 trở lại đây (năm 2012), tăng trưởng GDP đạt mức trung bình ấn tượng 5,3% mỗi năm. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây với mức tăng trưởng 7% hàng năm từ năm 2005 đến 2010.

Nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì, Việt Nam sẽ sánh ngang với 4 con hổ châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore (các nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 6% từ năm 1960 đến 1990).
Đâu là nguồn gốc của sự tăng trưởng?

David Dapice, giáo sư kinh tế Đại học Tufts, Massachusetts và là người đóng góp cho chương trình Harvard Việt Nam, đã nhấn mạnh việc chính phủ đưa ra các chính sách “Đổi mới” vào năm 1986 đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam.

Chính sách Đổi mới đã khuyến khích dòng vốn từ thế giới phương Tây bằng cách mở cửa cho thị trường tự do, hạ thấp hàng rào thuế quan, mở rộng xuất khẩu nông sản thông qua tự do hóa thương mại và gia nhập các khối thương mại khu vực.

Việc phát hiện và phát triển trữ lượng dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
Năm 2000, Việt Nam đã thực hiện một bước hướng tới đa dạng hóa bổ sung và bãi bỏ quy định nền kinh tế bằng cách ban hành Luật Doanh nghiệp, trong đó loại bỏ một số lượng đáng kể các yêu cầu liên quan đến việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân mới.

Người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thành thị, đã đón nhận cải cách này một cách khá nhiệt tình.

Nhiều tòa nhà cao và hẹp đặc trưng của các đô thị miền Bắc Việt Nam, đã chuyển đổi tầng dưới cùng thành các cửa hàng bán hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam và các nước lân cận.

Tinh thần kinh doanh cũng lan rộng đến những người dân không có nhà mặt tiền. Trong cùng chuyến đi được mô tả ở trên, cây viết Jay Alver đã chứng kiến ​​hàng chục thợ cắt tóc được phép dựng đồ nghề dựa vào hàng rào bao quanh một công viên thành phố. Gương và các vật dụng tạo kiểu tóc được treo trên móc dọc hàng rào trong khi khách hàng ngồi trên ghế nhựa.

Luật Doanh nghiệp giải thích một phần lý do tại sao tăng trưởng của Việt Nam về cơ bản không giống với các thị trường châu Á mới nổi khác. Bất chấp sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu công nghiệp, tiêu dùng nội địa chiếm 65%sản lượng, so với 36% của nước láng giềng Trung Quốc.

Theo bài báo của Chương trình Harvard Việt Nam có tựa đề “Lựa chọn thành công”, nền kinh tế Việt Nam khá đa dạng, với nền nông nghiệp và khai khoáng mạnh, đồng thời mở rộng nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất, du lịch, tiện ích, xây dựng và tài chính. Chính phủ thậm chí đã sử dụng thời kỳ tăng trưởng ổn định này để đầu tư vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và điện.

Theo Dapice, những yếu tố này làm cho mô hình phát triển của Việt Nam trở thành một minh chứng thành công cho các nước đang phát triển khác đang tìm cách sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có.

Con hổ châu Á thứ năm?

Theo Tạp chí Chính trị Harvard, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng to lớn. Theo IMF, nền kinh tế của Việt Nam vẫn nhỏ hơn so với Thái Lan và Philippines, nhưng với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

So sánh giữa sự phát triển của Việt Nam và Trung Quốc thì tăng trưởng của Việt Nam cũng rất đa dạng, thay vì dựa nhiều vào xuất khẩu công nghiệp.

“Nhìn chung, trong khi cải cách thể chế là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế từ nguồn nhân lực và vật chất dồi dào của Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng giữ vững mức tăng trưởng hiện có trong tương lai gần. Nếu thành công, Việt Nam rất có thể trở thành Con hổ châu Á thực sự tiếp theo và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn”, theo Tạp chí Chính trị Harvard.

Tạp chí Chính trị Harvard (HPR, Harvard Political Review) là một tạp chí và trang web hàng quý, phi đảng phái của Mỹ về chính trị và chính sách công, được thành lập vào năm 1969 bởi một nhóm sinh viên Harvard tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts. Tạp chí chuyên về các vấn đề trong nước và quốc tế và các sự kiện chính trị, cũng như các bài diễn văn chính trị tại Harvard.

error: Xin đừng copy !!