Giá đất khu vực vành đai rục rịch “nổi sóng”, đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên

Mới phong thanh nghe tin Quốc hội thảo luận các dự án đường vành đai, giá đất khu vực này đã “dậy sóng”. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy hoạch khu vực hai tuyến đường vành đai để thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, không lãng phí…

Giá đất khu vực vành đai rục rịch "nổi sóng", đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên
Giá đất khu vực vành đai rục rịch “nổi sóng”, đại biểu Quốc hội đề xuất cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

KHÔNG CHỈ LÀ HÀNH LANG GIAO THÔNG, MÀ LÀ HÀNH LANG KINH TẾ

Tiếp thu các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung về giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc tăng công suất là khai thác các vật liệu thi công…, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ý kiến này sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.

Làm rõ về tính cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Mặt khác, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội coi là hạ tầng là một trong ba chiến lược đột phá để phát triển.

Trong thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, các ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận.

Theo đó phải đảm bảo được tính kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến các vành đai trở thành một động lực cho phát triển.

“Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước – nhà đầu tư – người dân đảm bảo hài hòa lợi ích”.

“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.”

Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân.

Đồng thời, “chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần phải có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để mà không có sự tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội nêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Về quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, đối với Vành đai 4 vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1.

Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng làm rõ, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.

Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng.

Vành đai 4 vùng Thủ đô thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó chuyển sang đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch.

KHÔNG LÃNG PHÍ QUỸ ĐẤT HAI BÊN

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, do đó, những tuyến đường này được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020. Tuy nhiên, do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét.

Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.

“Khi các tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe nói Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần.

Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí.

Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

“Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát”, Đại biểu đoàn TP. Hà Nội gợi ý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai, hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc

Phát biểu tranh luậntại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch các Ủy ban tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, điều này không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chưa chắc Chủ tịch các UBND tỉnh thành mặn mà, do đó, sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề để hiểu tình trạng hiện nay và thúc đẩy, cải thiện quá trình này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quy đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”, đại biểu nêu rõ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Xin đừng copy !!